Nhóm Hmong Culture: Người trẻ “giữ lửa” văn hóa truyền thống

VHO - Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS đang đứng trước nguy cơ mai một. Thế nhưng ở đâu đó, vẫn có những bạn trẻ đang nuôi dưỡng đam mê, chủ động tìm tòi để bảo tồn, phát huy những giá trị thuộc về bản sắc của dân tộc mình.

Nhóm Hmong Culture: Người trẻ “giữ lửa” văn hóa truyền thống - Anh 1

 Các thành viên của Hmong Culture biểu diễn tại sự kiện “Tết Mông xuống phố”

Sinh ra và lớn lên trong cái nôi của văn hóa Mông, các bạn trẻ thuộc nhóm Hmong Culture đang ngày ngày thể hiện tình yêu văn hóa cổ truyền bằng nhiều hành động, với mong muốn nét đẹp ấy mãi trường tồn theo năm tháng.

Nuôi dưỡng tình yêu với văn hóa Mông

Trong cuộc trò chuyện với Văn Hóa, không khó để cảm nhận sức trẻ, nhiệt huyết của các thành viên Hmong Culture mỗi khi nói về việc được góp sức vào công cuộc bảo tồn, phát huy bản sắc của cộng đồng người Mông. Bằng tất cả sự tự hào, Sùng Say, Trưởng nhóm Hmong Culture cho biết: Dân tộc Mông cư trú và sinh sống chủ yếu ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái... Từ trang phục đến các loại hình nghệ thuật, lễ hội truyền thống và trò chơi dân gian của người Mông... đều mang những nét riêng biệt, không thể nhầm lẫn. Chính những nét văn hóa đó khiến nhiều du khách khi đến với những bản làng có người Mông sinh sống đã “phải lòng” và quyến luyến không nỡ rời chân. Người Mông từ bao đời nay cũng luôn ý thức bằng mọi giá phải bảo vệ những giá trị hồn cốt của dân tộc mình.

Trân quý những nét văn hóa của cha ông để lại, mang trong mình ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ cùng niềm đam mê dành cho lời ca, điệu múa của người Mông, nhiều bạn trẻ đã chủ động kết nối, lập nên Hmong Culture vào tháng 9.2022. Ban đầu nhóm chỉ có 6 thành viên, nhưng sau gần 2 năm phát triển, nhóm đã nâng con số này lên 14 và mong muốn được chào đón thêm nhiều gương mặt mới. Nhớ lại những ngày đầu hoạt động, Sùng Say cho hay: Hmong Culture gặp khó đủ đường vì số lượng thành viên ít, kinh phí hạn hẹp vì đa phần các bạn đều là sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng, nhóm không nản lòng mà tự nhủ càng khó càng làm; không cam tâm nhìn những giá trị văn hóa Mông bị mai một. Nhóm chọn đi biểu diễn nghệ thuật, mang điệu múa, tiếng hát, nhạc cụ dân tộc đến với khán giả trong nước và du khách quốc tế. Đồng thời, tổ chức một số hoạt động để giữ gìn tiếng nói, chữ viết, trang phục của người Mông.

“Vì có thế mạnh về hát và biểu diễn nhạc cụ, Hmong Culture đã tổ chức nhiều sự kiện như talkshow Dân ca nhạc cụ trong tôi; tham gia dự án âm nhạc Thanh cảnh với tác phẩm Nguồn để đưa âm nhạc truyền thống của dân tộc Mông kết hợp với âm nhạc đương đại; showcase Bên bờ hỗn độn và gần đây nhất là mở triển lãm nhạc cụ - workshop Âm nhạc dân tộc Mông trong thế giới đương đại. Âm nhạc đã trở thành cầu nối, gắn kết bản sắc dân tộc Mông với người dân, du khách; tạo hiệu ứng lan tỏa trong quảng bá văn hóa. Tại mỗi sự kiện, chúng tôi đều có sự chuẩn bị kỹ, tập trung vào yếu tố trải nghiệm. Từ đó, mọi người sẽ hiểu hơn về người Mông, chỉ có hiểu thì mới có thể yêu”, Sùng Say cho hay.

Nhóm Hmong Culture: Người trẻ “giữ lửa” văn hóa truyền thống - Anh 2

 Nhiều hoạt động quảng bá văn hóa, nghệ thuật của người Mông được nhóm đứng ra tổ chức

Trách nhiệm lớn của thế hệ trẻ

Dồn tâm huyết cho đam mê, suốt gần 2 năm qua, nhóm đã cùng nhau quảng bá về văn hóa dân tộc Mông tại hàng chục sự kiện lớn nhỏ. Ly Minh Cường, thành viên của Hmong Culture chia sẻ, hễ nghe ở đâu có giao lưu, quảng bá văn hóa DTTS, nhóm đều cố gắng kết nối để đến với sự kiện. “Nhóm sẽ chọn lọc, đưa những giá trị tiêu biểu nhất trong văn hóa của người Mông để quảng bá. Nhiều sự kiện làm rất vất vả, nhưng khi thấy khán giả, du khách được “chạm” đến văn hóa của dân tộc, thấy họ nâng niu trang phục, say đắm với tiếng khèn Mông và chia sẻ rằng, Việt Nam thật may mắn khi có kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, mọi mệt mỏi trong các thành viên đều tan biến. Động lực để nhóm duy trì hoạt động chính là tình yêu mà mọi người dành cho văn hóa Mông nói riêng, văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên dải đất hình chữ S nói chung”, Ly Minh Cường nói.

Trong suốt quá trình hoạt động, các thành viên của Hmong Culture luôn ý thức văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, đó là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em. Do đó, nhóm tìm cách để văn hóa Mông có sự kết hợp với những văn hóa của những tộc người khác; đưa thêm yếu tố đương đại để văn hóa truyền thống gần gũi hơn với thế hệ trẻ ngày nay. Các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được cùng nhau tỏa sáng và thể hiện vai trò là “sợi dây” gắn chặt khối đại đoàn kết. Ngoài ra, nhóm cũng cố gắng mỗi quý sẽ tổ chức riêng một sự kiện về văn hóa của người Mông.

Cũng theo đại diện của Hmong Culture, nhóm đã lên kế hoạch tham gia đóng góp tư liệu vào Di sản kết nối, một phần của dự án Di sản kết nối do Hội đồng Anh Việt Nam thực hiện từ năm 2018, nhằm tạo ra cơ hội để cộng đồng trực tiếp đóng góp, hưởng lợi từ việc bảo tồn di sản văn hóa; tổ chức thêm nhiều buổi trình diễn các tác phẩm của những thành viên trong nhóm... Nhóm cũng chủ động quảng bá văn hóa Mông trên mạng xã hội, thông qua nhiều video, hình ảnh. Dưới sức ảnh hưởng của truyền thông và mạng xã hội, nhóm kỳ vọng bản sắc riêng độc đáo của người Mông sẽ được lan tỏa rộng khắp.

Nhân câu chuyện của Hmong Culture, nhóm mong muốn thế hệ trẻ ngày nay ý thức được bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc không phải là câu chuyện của riêng ai. Thế hệ trẻ, thanh niên phải thể hiện vai trò tiên phong. Lớp trẻ là tương lai của dân tộc, sự tham gia tích cực, chủ động của họ vào công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản của đồng bào DTTS sẽ bảo đảm cho di sản của dân tộc được bảo vệ và phát triển bền vững. 

 ĐÌNH TOÁN - NGỌC QUỲNH

Ý kiến bạn đọc